CÁCH THU PHỤC LÒNG NGƯỜI DÀNH CHO DÂN NHÂN SỰ

Tôi không nghĩ việc vận hành các chức năng, nhiệm vụ của bộ phận nhân sự là quá khó khăn. “Tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng”, vì vậy một thách thức khá lớn với người làm nhân sự là việc chinh phục lòng người.

Gần đây tôi có nhân duyên được gặp gỡ và nghe về các triết lý của Đạo Phật, tôi thấy tính ứng dụng rất cao trong công tác Nhân sự tại doanh nghiệp. Xin chia sẻ cùng anh chị vài điều tâm đắc và mong rằng sẽ có thêm những đóng góp để giúp cho cá nhân tôi hoàn thiện, cũng như những người làm nhân sự có thêm các kiến thức và kinh nghiệm để xử lý công việc, giúp cho doanh nghiệp và người lao động ngày càn phát triển.

Thưa các anh chị, để thu phục lòng người Đức Phật có dạy 4 điều:

A. Bố thí: mang lại cho nhân sự những lợi ích về vật chất và tinh thần

Mỗi cá nhân theo bản năng sẽ hướng tới những lợi ích cho cá nhân mình, muốn thu phục và dùng người trước hết phải mang lại cho họ những lợi ích để đảm bảo “thỏa mãn” lợi ích cá nhân, để hạnh phúc làm việc. Tuy nhiên để đảm bảo sự công bằng và cân bằng cho cả doanh nghiệp và người lao động, để có những lợi ích về vật chất và tinh thần thì người phải đóng góp những giá trị cho doanh nghiệp hay nói một cách khác là làm việc hiệu quả. Để người lao động làm việc hiệu quả có nhiều cách, xin chia sẻ chi tiết trong một bài viết khác.
Khi người lao động không được đảm bảo về mặt lợi ích hãy thử kiểm tra những điều sau, trước khi đưa ra giải pháp:
– Người lãnh đạo, người làm nhân sự đã thực tâm mong muốn mang lại những lợi ích cho nhân sự làm việc hay chưa. Đôi khi có những “điểm mù” hay thậm chí Người lãnh đạo, người làm nhân sự không thực tâm mà chỉ nói ra bên ngoài.
– Hệ thống phúc lợi đã đảm bảo lợi ích cho nhân sự hay chưa? Doanh nghiệp nên có các tiêu chuẩn tối thiểu để so sánh ví dụ như: Tuân thủ luật, so sánh với các công ty cùng ngành, cùng địa phương …
– Mong muốn của nhân sự có vượt quá sự “công bằng và cân bằng” với doanh nghiệp hay không.

B. Ái ngữ: Lời nói sao cho họ nghe họ hiểu được, tùy căn cơ của chúng sinh mà có từ ngữ phù hợp

Bản chất đây chính là sự trao đổi thông tin hai chiều giữa doanh nghiệp và người lao động thông qua việc truyền thông nội bô, các chương trình đào tạo … Những công việc này giúp cho người lao động cùng hướng tới mục tiêu chung của doanh nghiệp, sự vận hành đồng nhất từ trên xuống dưới và với người lao động chính là sự phát triển không ngừng của bản thân trong doanh nghiệp.
Tùy từng đối tượng sẽ có cách trao đổi thông tin cho phù hợp, ví dụ với đối tượng công nhân có thể các thông báo bằng tiếng Anh, các công thức phức tạp về cách tính lương hay các từ ngữ chuẩn mực cao có thể không phù hợp. Thay vào đó là những gì dân dã, gần gũi, đôi khi thực tế những con số cụ thể lại mang lại hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra người làm nhân sự cũng phải hết sức linh hoạt trong công tác truyền thông nội bộ, giao tiếp, đào tạo …, với các đối tượng khác nhau nên có phương pháp khác nhau để đạt được mục tiêu chung.

C. Lợi hành: Vì lợi ích chung

Việc phát triển phải song hành giữa doanh nghiệp và người lao động, nếu chỉ một trong hai phát triển thì mối quan hệ sẽ không thể bền vững. Để đảm bảo sự hợp tác được bền chặt thì lợi ích của tổ chức phải đặt lên hàng đầu sau đó mới là lợi ích của cá nhân, nên nhớ rằng “nước mất thì nhà tan”. Thông thường với người làm nhân sự sẽ trải qua các giai đoạn suy nghĩ sau trong quá trình làm việc:
1. Vì lợi ích cá nhân trước lợi ích của tổ chức (vì mình cũng là người lao động)
2. Cần cân bằng lợi ích cá nhân và tổ chức
3. Lợi ích của tổ chức trước lợi ích từng cá nhân
4. Đảm bảo công bằng và cân băng giữa lợi ích tổ chức và cá nhân
Tuy nhiên với người làm nhân sự khi cần tạo ảnh hưởng hay thu phục người khác nên thực hiện theo các bước sau:
1. Xem cá nhân mình giúp gì được cho họ
2. Họ hợp tác được gì với tổ chức
3. Cá nhân mình được lợi ích gì

D. Đồng sự: Cùng kết hợp làm việc

Một còn người không thể làm việc nếu không có sự hỗ trợ và kết hợp của đội nhóm, nếu ai đó đã một mình phải giải quyết công việc mà không có ai hỗ trợ sẽ hiểu rõ cảm giác “cô đơn” như thế nào. Chắc chắn người lao động khi rơi vào trường hợp này sẽ làm việc không hiệu quả và rời doanh nghiệp.
Với vai trò làm người nhân sự, hãy sử dụng các nguồn lực để người lao động phối hợp làm việc nhóm, dẫn dắt người lao động (nhất là những người mới). Về mặt hệ thống hãy tạo ra văn hóa làm việc nhóm, hỗ trợ và phối hợp trong doanh nghiệp (mô hình người dạy người cũng là một phương án để tham khảo).

Đầu tháng có đôi dòng chia sẻ, mong muốn những người làm nhân sự làm việc hết lòng bằng cái TÂM SÁNG, trước hết vì người thì mới dùng được người.
Chúc các anh chị có tháng mới làm việc hiệu quả, hạnh phúc và không ngừng phát triển.

HRNguyen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *