Vốn là người ham công tiếc việc, thích và hay đi, đùng một cái lăn ra ốm. Tưởng chỉ vào viện mấy ngày nhưng gặp bác sỹ mới biết cuộc sống bắt phải nghỉ ngơi dài hạn. Nằm một chỗ thì ngoan lắm, gọi dạ bảo vâng, tuân thủ 100% y lệnh, nhưng khỏe một tý là lòng tham lại nổi lên, mà lại tham công tiếc việc.
Ngày trước cũng ham làm lắm, nhưng làm thì cũng phải chơi nên tôi luôn nghĩ cách cân bằng công việc và cuộc sống. Đi công tác cũng tranh thủ tham quan du lịch, cuối tuần tranh thủ cho trẻ con đi trải nghiệm, một năm cắt thời gian để đi du lịch cùng gia đình… Nhưng đi đâu cũng kè kè con điện thoại, mang theo máy tính để có việc là xử lý ngay. Công việc có lúc bận lúc rảnh, nhưng ở góc nhìn cá nhân thì cơ bản cũng Cân bằng Công việc và Cuộc sống (Work-life balance) hoặc ít nhất cũng hướng tới điều đó.
Giờ thì tiếc đời, ham sống, sợ đau nên phải ưu tiên cho sức khỏe và tận hưởng cuộc sống, nên công việc chỉ là thứ yếu. Nói thế không phải nhàn nhã, nhiều khi cũng rất bận rộn nhưng bận rộn một cách rất thảnh thơi. Nhưng công việc thì không nên bỏ, nên giờ lại hướng tới Cân bằng Cuộc sống và Công việc (Life-work balance).
Nên hiểu thế nào về Work-life balance và Life-work balance?
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống đã được biết đến trong nhiều năm qua và nó đã ăn sâu vào mỗi người đi làm chúng ta, sau đại dịch Covidvà19 ngày càng có nhiều người quan tâm và hướng tới nó hơn. Thông thường chúng ta sẽ tạm hiểu với nhau là: “Hãy dành thêm thời gian cho gia đình và cuộc sống. Làm thế nào để tôi không làm việc quá nhiều, để đảm bảo sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống?”. Tại sao lại có nhu cầu này? Lý do bởi chúng ta phải làm việc để kiếm sống, nuôi bản thân và gia đình, chúng ta muốn giầu có hơn… Chúng ta lao như con thiêu thân vào công việc, không chỉ làm việc 8h/ngày, hết dự án này rồi dự án khác, công việc này lại công việc khác… để rồi một ngày chúng ta thấy mệt mỏi, căng thẳng, các vấn đề không như ý trong cuộc sống xảy ra. Chúng ta chợt nhận ra đã dành quá nhiều thời gian, sức lực cho công việc và cuộc sống riêng tư chẳng được bao nhiêu, vì vậy dẫn tới nhu cầu cần sắp xếp để Cân bằng Công việc và Cuộc sống.
Nhưng trước nhưng biến động rất nhanh của thế giới, nhiều người đã có sự thay đổi cách nhìn nhận công việc. Và nhu cầu Cân bằng Cuộc sống và Công việc ra đời, đây có lẽ là một khái niệm mới phản ánh sự thay đổi trong cách người lao động nhìn nhận vai trò của công việc trong cuộc sống. Bây giờ chúng ta tạm hiểu với nhau là: “Ưu tiên hàng đầu của tôi là gia đình và cuộc sống. Làm thế nào để tôi có công việc và thời gian làm việc phù hợp với lối sống của mình?”.
Nói thì có vẻ loằng ngoằng khó hiểu, nhưng bản chất rất đơn giản là đi tìm kiếm sự cân bằng, nếu Cân bằng Công việc và Cuộc sống thì công việc là yếu tố ưu tiên và ngược lại nếu Cân bằng Cuộc sống và Công việc thì cuộc sống là yếu tố ưu tiên (thậm chí chỉ là thay đổi vị trí từ ngữ, cái nào đứng trước thì tức là được ưu tiên). Có hai ví dụ thế này cho dễ hiêu:
Câu chuyện khi tôi nằm viện.
1. Khi mới nằm viên, hiểu được tình hình sức khỏe cần thời gian điều trị, tôi xin nghỉ một thời gian để bình phục sức khỏe, để làm mới bản thân và quay lại cháy với công việc như trước đây. Mặc dù công việc phải di chuyển nhiều, làm việc thời gian dài, đôi khi căng thẳng nhưng không sao lúc đó tôi đã khỏe lại rồi. Đây chính là tìm kiếm sự Cân bằng Công việc và Cuộc sống.
2. Tuy nhiên biết tình hình sức khỏe không thể bình phục như trước, thậm chí bác sỹ cảnh báo không làm việc vất vả, không căng thẳng, tránh xúc động mạnh vì có thể ảnh hưởng đến tính mạng thì tôi bắt buộc phải thay đổi quan điểm. Làm sao để mình vẫn có thể làm việc? Tôi sẽ lựa chọn nhưng công việc ít ảnh hưởng đến sức khỏe và những đối tác coi trọng sức khỏe của tôi. Thậm chí công việc đam mê trước đây của tôi là làm nhân sự tôi cũng từ bỏ một phần. Đây chính là tìm kiếm sự Cuộc sống và Cân bằng Công việc.
Câu chuyện những người trẻ đang ế.
Bạn bị ế vì không có thời gian giao lưu, kết nối và tìm hiểu các bạn khác giới. Phần lớn thời gian bạn dành cho công việc và công ty, đó là một công việc lý tưởng có thu nhập cao và các đồng nghiệp tốt bụng, thân thiện. Giờ bạn muốn tìm lại sự cân bằng, để có thể có người yêu, rồi hôn nhân, có thể có 2 lựa chọn:
1. Tôi thích tham gia các hoạt động ngoài lề như ăn trưa, chạy bộ, xem phim, làm thiện nguyện… với đồng nghiệp (đặc biệt là đồng nghiệp khác giới). Việc này diễn ra hàng tuần để tôi có thể xây dựng cộng đồng và các mối quan hệ của mình. Tôi và các đồng nghiệp làm việc ăn ý, có mối quan hệ tốt, chúng tôi dành phần lớn thời gian bên nhau. Đây chính là tìm kiếm sự Cân bằng Công việc và Cuộc sống.
2. Các hoạt động bên lề công việc ở nơi làm việc không còn quan trọng với tôi nữa, thỉnh thoảng tôi cũng tham gia thôi. Tôi tìm thấy cộng đồng và mối quan hệ của mình nhiều hơn trong những hoạt động ngoài công việc. Đây chính là tìm kiếm sự Cân bằng Cuộc sống và Công việc.
Việc chuyển đổi từ Cân bằng Công việc và Cuộc sống sang Cân bằng Cuộc sống và Công việc là một quá trình cũng khá thách thức. Đầu tiên bạn cần thay đổi tư duy, thay đổi góc nhin về công việc và cuộc sống, sau đó phải xác định lại những giá trị mà bạn mong muốn rồi hành động thôi. Phần hành động ngoài việc đặt các mục tiêu và kế hoạch ưu tiên cho cuộc sống thì thách thức lớn là vấn đề tài chính trong quá trình chuyển đổi. Nói chung cũng đău đầu, chứ không như tôi là bắt buộc phải thay đổi do yếu tố sức khỏe và còn ham sống tiếc đời. Cái này cũng khá dài dòng xin phép chia sẻ trong những bài viết khác. Và cho dù giờ bạn rất bận rộn và căng thẳng vì công việc, bạn cũng chưa nghĩ được đến tìm kiếm sự cân bằng đi chăng nữa. Hãy nhớ một điều, đã có lúc chúng ta không có smartphone, laptop thậm chí cả internet và rời văn phòng là công việc đã kết thúc. Nhưng thế giới không hề sụp đổ, vẫn phát triển như thường và cuộc sống của chúng ta cũng thế.
À suýt quên, nếu tất mọi người đều tìm thấy sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc thì những chương trình sáo rỗng kiểu “hạnh phúc tại nơi làm việc”. “nơi làm việc tốt nhất” sẽ không còn tồn tại, bởi đâu cũng sẽ trở thành nơi làm việc hạnh phúc.
HRNguyen