VÌ SAO MÌNH LẠI CHỌN NGHỀ COACH?

Từ lúc bắt đầu làm Coach, mình nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến nghề này. Mình nhận thấy nhiều người dù đã nghe thấy tên của nghề này nhiều nhưng chưa rõ cụ thể nghề Coach là nghề gì và vì sao mình lại chọn thử thách bản thân với nghề này.

Mình xin được giải thích lý do trong post này.

Thời gian mình trải nghiệm với nghề Coach chưa lâu, mình còn vô số những điều phải học và tìm hiểu về nghề nên nội dung chia sẻ trong post này bao gồm những ý kiến từ góc nhìn cá nhân, trải nghiệm của bản thân mình. Khi mình đi sâu hơn vào nghề và có thêm nhiều kinh nghiệm, có thể sẽ có những góc nhìn mới và thông tin mới. Nếu các bạn có những góp ý và chia sẻ thêm với mình, đừng ngại nhắn tin hay để lại comment cho mình.

Khái quát nghề coach:
Liên Đoàn Coach Quốc Tế ICF định nghĩa, coaching (khai vấn- huấn luyện) là mối quan hệ hợp tác giữa người khai vấn (coach) với khách hàng (coachee) trong một quá trình kích thích tư duy và sáng tạo, truyền cảm hứng để họ phát huy tối đa tiềm năng cá nhân và nghề nghiệp.

Nghề Coach không còn lạ lẫm ở nước ngoài nhưng đối với Việt Nam thì coaching mới du nhập và phát triển mạnh mẽ trong 5 năm gần đây.

Có thể đọc đến đây, nhiều bạn vẫn chưa hình dung ra coaching có sự khác biệt gì với những ngành nghề đã hiện diện lâu đời và cũng tập trung vào phát triển bản thân và giải quyết các vấn đề khác, mình đã lập một bảng so sánh như sau:

Hiện tại thị trường coach trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang trở nên rất phong phú.

Có rất nhiều loại hình khai vấn cho các mục tiêu khác nhau như:

Life coach (khai vấn- huấn luyện cho cuộc sống)
Trong Life coach có thể chia ra làm nhiều nhánh:
– Relationship coach (Khai vấn cho các mối quan hệ)
– Health coach (Khai vấn sức khoẻ)
– Career coach (Khai vấn nghề nghiệp)
– Couple coaching (Khai vấn cho cặp đôi)
Etc.

Business coach (khai vấn cho doanh nghiệp)

Executive coach (Khai vấn cho cấp điều hành)

Spiritual coach (Khai vấn tinh thần)

Parent coaching (Khai vấn cho cha mẹ)

Religion coaching (Khai vấn tôn giáo)

Etc.

Các bạn có thể liên hệ với các công ty có dịch vụ coaching hoặc các Coach tự do tuỳ theo nhu cầu của bản thân.

Tại sao lại là Career Coach?
Khi mới tiếp cận nghề Coach, mình nghe nhiều về Life coach và Business coach (khai vấn- huấn luyện doanh nghiệp). Với một người mới bắt đầu tìm hiểu về nghề Coach như mình, Life coach và Business coach nghe rất vĩ mô và mình chưa hình dung được mình sẽ sử dụng hiệu quả những kinh nghiệm và kiến thức hiện mình đang có trong hai vai trò đấy ra sao.

Thành thật mà nói mình nghĩ đây là yếu tố về tâm lý, bản chất và nguyên lý của coaching là không thay đổi, dù là Life coach, Business coach, Career coach hay bất cứ nhánh coach nào khác. Tuy nhiên, nếu bạn có kinh nghiệm với mảng nào hơn, thường sẽ dễ dàng để bạn bắt nhịp với các phương thức và thấm kiến thức của mảng đó hơn. Hầu hết mọi người khi bắt đầu học coaching thường là để giải quyết vấn đề của bản thân đầu tiên, đối với mình, với background và kinh nghiệm và mục tiêu của mình lúc đó là tìm được nghề nghiệp mình yêu thích thì sau khi được trải nghiệm về Career Coach, mình lập tức nhận thấy đây sẽ là một bước khởi đầu phù hợp với bản thân mình.

Lý do mình theo đuổi nghề Coach
“Không có ai biết rõ về bạn như chính bản thân bạn vì vậy không ai ngoài bạn có thể đưa ra giải pháp triệt để cho chính mình.”

Lúc đầu, mình đã nghĩ nghề Coach cũng sẽ đi giúp khách hàng, hay còn gọi là Coachees, giải quyết vấn đề khúc mắc của họ. Là một người có khả năng tư vấn và thích tìm ra cách giải quyết cho các vấn đề, thích đưa ra lời khuyên nên mình đã nghĩ nghề này có vẻ khá phù hợp với sở thích của mình.

Nhưng mình đã nhầm!

Coaching không tập trung vào vấn đề, mà tập trung vào mục tiêu. Để đạt được mục tiêu đó, Coach và Coachee sẽ đồng hành, giúp Coachee nhìn vấn đề từ những góc nhìn mới mẻ, để có thể tiến đến đạt được mục tiêu của bản thân. Khi mình là người Coach mình không được đưa ra lời khuyên, không được tư vấn.

Trước kia khi mình là chuyên gia tư vấn tuyển dụng, khi nhận được yêu cầu của khách hàng hoặc ứng viên, việc đặt câu hỏi là để tìm hiểu thêm về những mong muốn, yêu cầu, điều kiện xung quanh vấn đề để đưa ra giải pháp càng tối ưu cho vấn đề đó càng tốt.

Ví dụ, ứng viên của mình muốn chuyển việc sang một công việc mới. Việc đầu tiên mình sẽ phỏng vấn ứng viên, về lý do họ muốn chuyển việc, tìm hiểu chi tiết về mong muốn và yêu cầu với công việc mới, sau đó đưa ra tư vấn về các công ty và vị trí phù hợp với nhu cầu của ứng viên. Mình đã gặp rất nhiều ứng viên, có những ứng viên kiến thức về các công ty rất rộng những ngược lại cũng có những người không rành lắm về các công ty trong ngành. Khi đó quyết định đăng ký của họ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào những kiến thức của mình về công ty, chế độ ưu đãi hay cách mình nhận xét về công ty đó và khả năng thuyết phục của mình.

Và sự lựa chọn cuối cùng đó có phải là tối ưu cho họ hay không sẽ phụ thuộc vào trình độ hiểu ứng viên và công ty của mình- người tư vấn.

Có những ứng viên sau khi chuyển việc đã quay lại cám ơn và kể cho mình nghe công việc mới đã làm cho cuộc sống và công việc của họ tốt lên thế nào, điều này vô cùng ý nghĩa với mình. Nhưng cũng có rất nhiều người mình sẽ không biết công việc mình giới thiệu có phải là giải pháp tối ưu, giúp cho họ có một công việc họ thật sự mong đợi hay không.

Hiện tại với tư cách là một người coach, mình thấy được sự thay đổi của Coachee qua từng buổi khai vấn. Họ ngạc nhiên với những điều chính họ nói ra và khi con người ta hướng đến mục tiêu, họ tích cực và chủ động hơn rất nhiều. Đối với mình mà nói, từng buổi nói chuyện đều rất có ý nghĩa.

Nghề Coach là nghề của sự yêu thương, với nhiệm vụ giúp mọi người sống tích cực hơn, công việc này hướng mình đến một phiên bản tốt đẹp hơn, tích cực hơn của bản thân.

Càng thực hành nhiều, mình càng thấy mình phải trau dồi thêm nhiều kiến thức và phương pháp hơn.

Nếu các bạn hỏi mình làm Coach có khó không, thì câu trả lời của mình là Có.

Còn câu trả lời cho câu hỏi vì sao lại khó thì mình sẽ chia sẻ ở post sau.

Hy vọng bài chia sẻ của mình mang đến những thông tin hữu ích và thú vị cho mọi người.

Bài viết từ Blog cá nhân của Career Coach: Bạch Hoa Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *