Trong công việc nhiều tiền hơn không đảm bảo về lâu dài rằng sẽ hạnh phúc hơn hoặc làm việc hiệu quả hơn. Vì vậy dù bất cứ ai cảm thấy thích thú khi được tăng lương, nhưng đôi khi niềm vui cũng không kéo dài. Điều quan trọng hơn là bạn đang cống hiến và được trả xứng đáng. Bằng việc trả lương và được khen thưởng xứng đáng về tài chính, bạn sẽ cảm thấy rằng Công ty đánh giá cao công việc của mình và điều đó mang lại sự hài lòng trong công việc một cách lâu dài.
Với mỗi người đi làm, việc biết cách đề xuất tăng lương là một kỹ năng hết sức cần thiết. Đây là một điều bình thường “như cân đường hộp sữa” và là kỹ năng cơ bản cần trang bị giống như bạn phải đọc đúng tên, ngày sinh của mình vậy.
Trong tình hình kinh tế khó khăn, đôi khi bạn nên biết ơn khi có một công việc như hiện tại. Nhưng chắc chắn đến một lúc nào đó, bạn sẽ tự hỏi khi nào và làm thế nào để yêu cầu tăng lương. Cách tốt nhất để trả lời cho câu hỏi này là ngay bây giờ hãy chuẩn bị đề xuất tăng lương một cách thật sự chuyên nghiệp.
Vậy chuẩn bị và đề xuất tăng lương như thế nào?
Bước 1: Lựa chọn thời điểm phù hợp
Lựa chọn thời điểm để đề xuất tăng lương là yếu tố quan trọng quyết định mục tiêu của bạn có đạt hay không. Dịch bệnh, tình hình kinh tế đi xuống hay những khó khăn cụ thể của Công ty không phải là rào cản cho việc đề xuất tăng lương.
Tuy nhiên bạn phải chắc chắn mình có đầy đủ thông tin.Hãy sử dụng lý trí để phân tích, cẩn thận xem xét tình hình Công ty và công việc của bạn trước khi đề xuất tăng lương. Những thời điểm kết quả làm việc của bạn không tốt, tình hình kinh doanh khó khăn hay Công ty có thể những thời điểm nên cân nhắc kỹ đến đề xuất tăng lương.
Bước 2: Thu thập những thông tin cơ bản cần thiết
Khi bạn tự tin rằng thời điểm phù hợp, hãy biết và chắc chắn giá trị của mình trước khi đề xuất tăng lương. Bạn có thể thu thập thông tin lương từ nhiều nguồn bao gồm:
Tham gia các nhóm cùng ngành: Việc tham gia vào các nhóm cùng ngành không chỉ giúp phát triển chuyên môn mà có thêm nhiều giá trị khác. Trong trường hợp này bạn cũng có thể tham khảo những người cùng ngành và những vị trí cùng kinh nghiệm.
Các bảng kháo sát lương: Đây có thể là những công cụ hữu ích, nhưng chú ý tiền lương trong các khảo sát này có thể dao động nhiều tùy thuộc vào loại hình, ngành nghề Công ty cũng như địa điểm làm việc. Bạn chỉ cần gõ từ khóa “khảo sát lương” sẽ có vô vàn kết quả trên Internet, tuy nhiên chú ý phải chọn những khảo sát với những Công ty gần giống như của bạn.
Sếp và đồng nghiệp cũ: Nếu việc tham khảo với những đồng nghiệp hiện tại là không cho phép thì bạn có thể tìm hiểu qua sếp cũ hay đồng nghiệp cũ. Đây là một nguồn tin khá tin cậy và chính xác cao. Qua đó bạn sẽ biết được một người có kỹ năng và kinh nghiệm như bạn đang được trả thế nào.
Bộ phận nhân sự của Công ty: Một số Công ty sẽ có thể tiết lộ mức lương trên mạng nội bộ hay các thông tin tuyển dụng. Tuy nhiên bạn cũng có thể thăm dò hoặc nhờ qua bộ phận Nhân sự nếu như có mối quan hệ tốt.
Khi bạn thu thập được thông tin này, hãy nghĩ đến việc lương của bạn tăng lên như thế nào. Ví dụ: Bạn xác định công việc của mình được trả trong dải lương 12-15 triệu và bạn đã có nhiều năm kinh nghiệm, thì nên nhắm đến con số cao nhất trong dải lương. Thông tin chi tiết về mức lương này không chỉ giúp bạn đề xuất tăng lương mà cũng vô cùng hữu ích khi bạn bắt đầu tìm kiếm công việc mới.
Bước 3: Bắt đầu câu chuyện
Tâm thế để bạn có thể bắt đầu câu chuyện là sự đồng cảm, không đòi hỏi và góc nhìn tích cực, nhưng điều quan trọng nhất cho suốt quá trình trao đổi đó là sự rõ ràng và minh bạch.
Hãy bắt đầu bằng sự thừa nhận đây là một giai đoạn khó khăn và đồng cảm với với Công ty. bạn hiểu điều đó và nên bắt đầu đại loại như: “Tôi biết đây không phải là thời điểm kinh doanh tốt như mọi năm, nhưng những kết quả làm việc của tôi đã xuất sắc như… Có thể xem xét việc tăng lương trong 3 tháng tới không?”
Điều này nói lên rằng, tôi đang hiểu và đồng cảm cùng Công ty, trong trường hợp bất khả khác, tôi có thể tạm dừng việc đề xuất hoặc ít nhất là giữ nguyên kỳ vọng của mình. Đây là một sự khởi đầu dễ chịu hơn với cả hai bên, nhất là trong trường hợp Công ty đang gặp khó khăn. Bạn vẫn có thể yêu cầu tăng lương khi mọi thứ bắt đầu cải thiện, miễn là bạn làm điều đó với sự hiểu biết rằng sếp của bạn có thể muốn trả cho bạn nhiều hơn, nhưng có thể là không.
Bước 4: Trao đổi những thành tích
Những thành tích, nhất là những thứ định lượng được chính là những lý lẽ và con số để thuyết phục Công ty tăng lương cho bạn. Công ty và người quản lý không thể tranh cãi về những con số cụ thể. Ngay sau khi bạn định hình trong đầu con số về mức lương, bạn cần biết cách đề xuất tăng lương sao bằng những lý lẽ và con số rõ ràng.
Hãy bắt đầu bằng cách liệt kê tất cả những gì bạn đã đạt được trong suốt tháng, quý, năm và là những chỉ số có thể định lượng được càng nhiều càng tốt. Ví dụ “Tôi đã vượt doanh số bán hàng quý IV là 20%”, “Chi phí do tôi quản lý giảm 15% so với chỉ tiêu hằng năm”, “Tỷ lệ hàng hỏng của tổ tôi phụ trách giảm 15% trong quý vừa rồi”…
Hãy nhớ gạch đầu dòng ra tất cả những điều này trước khi thực hiện buổi trao đổi. Trong cuộc trò chuyện, hãy chia sẻ thêm những sáng kiến và những thành tích khác của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể thảo luận thêm về những mong muốn đóng góp, gắn bó với doanh nghiệp, để tìm kiếm những cơ hội thăng tiến khác.
Bước 5: Những kế hoạch dự phòng
Nếu bị từ chối tăng lương vì bất cứ lý do gì, bạn có thể đề xuất các hình thức khác.Đầu tiên, hãy xem liệu có thể thay đổi hình thức từ tăng lương thành các khoản thưởng ngay, thưởng theo quý hay hằng năm hay không. Việc này có thể giúp Công ty và bạn đảm bảo các yếu tố cân bằng về mặt tài chính, cũng như công bằng trong công bằng nội bộ giữa các đồng nghiệp. Bằng việc này Công ty sẽ chỉ phải chi trả nếu hiệu quả công việc của bạn được đảm bảo và giữ vững, chứ không phải các khoản trả đều hằng tháng.
Nếu điều kiện tài chính không cho phép, bạn có thể thử yêu cầu có nhiều thời gian nghỉ cho cá nhân hơn hoặc quy đổi thành những phụ cấp hoặc những lợi ích khác. Ví dụ như miễn phí sử dụng dịch vụ của Công ty, hỗ trợ trang thiết bị, hỗ trợ đi lại …. Đó có thể không phải là mức tăng mà bạn muốn, nhưng nó là một sự thể hiện thiện chí của cả hai bên cũng như sự ghi nhận giá trị của bạn.
Bước 6: Thảo luận về các bước tiếp theo
Nếu Công ty chấp nhận những đề xuất của bạn, đừng kết thúc buổi thảo luận mà không có các bước tiếp theo. Hãy yêu cầu một văn bản hay bằng chứng cho việc chấp thuận này, tùy từng Công ty sẽ có các hình thưc khác nhau như: văn bản quyết định, email, điều chỉnh trên phần mềm.
Nếu việc tăng lương sẽ diễn ra trong tương lai trong một vài tháng sắp tới, hãy vẫn việc xác nhận lại sự chấp thuận này. Hãy theo dõi để đảm bảo rằng việc tăng lương thực sự diễn ra đúng như mong muốn.Một khả năng khác, Công ty có thể đề xuất thảo luận vào một ngày khác, hãy ghi vào lịch để nhắc nhở bản thân theo dõi và chủ động thực hiện.
Bước 7: Hãy tìm Công ty khác để có mức lương tốt hơn
Nếu Công ty không thấy cần bạn hoặc không thấy tăng lương, biết cách đề xuất tăng lương sẽ chẳng giúp bạn có được kết quả như mong đợi. Đã đến lúc bắt đầu tìm kiếm một công việc mới để được công hiến và chi trả xứng đáng.
HRNguyen