Không thể có kết qủa mới với một cách làm cũ. Trò chơi trong tuyển dụng là một gợi ý để các bạn có thể xây dựng thương hiệu tuyển dụng, tạo nguồn và tuyển dụng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó nó luôn tạo động lực và hứng khởi không chỉ cho các ứng viên mà cho chính cả những người làm tuyển dụng.
Tại sao lại lại cần trò chơi trong tuyển dụng?
Các tổ chức lớn đã sử dụng các trò chơi trong tuyển dụng, thoạt nhìn có vẻ chỉ là một phương pháp khác để giải trí hay gây hứng thú, nhưng trên thực tế nó đã được nghiên cứu và mang tính chuyển đổi chiến lược. Hiện tại phần lớn người lao động thuộc thế hệ Millennials và theo những báo cáo tại Hoa Kỳ thì những người này thích các trò chơi, vì vậy có thể dự đoán rằng việc sử dụng trò chơi trong tuyển dụng sẽ thu hút ứng viên đến với tổ chức.
Trò trong tuyển dụng nên được thiết kế thế nào?
Việc thiết kế các trò chơi trong tuyển dụng trước hết là sự thay đổi về tư duy, từ việc tập trung vào sự lựa chọn cho tổ chức hay win-win cho cả hai thành việc đặt con người hay ứng viên vào vị trí trung tâm, tập trung nhiều vào các vấn đề động lực của con người. Từ đó các mục tiêu khác của tuyển dụng đều đạt được cho cả hai bên.
Trò chơi trong tuyển dụng có thể thiết kế vào các “điểm chạm” trong quy trình tuyển dụng. Ví dụ: Domino’s Pizza xây dựng về thương hiệu tuyển dụng bằng cách mời mọi người làm bánh pizza, họ sẽ nhận được huy hiệu và tiền mỗi với mỗi chiếc bánh được bán. Điều này đặc biệt thu hút các ứng viên trẻ đang muốn tham gia vào một tổ chức đổi mới, vui vẻ và sáng tạo.
Các trò chơi cũng có thể sử dụng để kiểm tra các ứng viên về kiến thức và các kỹ năng khác. Một ví dụ tuyệt vời khi một công ty công nghệ tên tuổi tổ chức một cuộc lập trình, khi đó các lập trình viên tham gia thể hiện các kiến thức, kỹ năng để đạt danh hiệu vô địch và phần thưởng 15.000 đô. Sau cuộc thi Công ty có được danh sách các ứng viên đã chứng minh được kiến thức và kỹ năng của mình.
Để biết được các ứng viên có phù hợp với tổ chức, các trò chơi cũng là một gợi ý không tồi. Điều này ở Việt Nam những người làm nhân sự đã bắt đầu thực hiện, ví dụ các trò chơi với bộ card về nghề nghiệp có thể giúp thấy được sự phù hợp về các giá trị công việc hay các kỹ năng tạo đồng lực…
Một số dạng trò chơi có thể dễ dàng thực hiện
Xin đưa ra một vài gợi ý để tạo các trò chơi trong tuyển dụng dễ dàng để biến các công việc nhàm chán và buồn tẻ trong tuyển dụng thành các công việc thú vị và hứng thú cho mọi người.
1. Các cuộc thi
Thông thường các ứng viên tiềm năng đều dành rất ít thời gian để truy cập website tuyển dụng, các tin tuyển dụng… của bạn. Bạn nghĩ sao nếu họ có một trải nghiệm thú vị kết hợp với một phần thưởng lớn.
Ví dụ: bạn có thể tạo một chương trình đố vui trực tuyến, nơi các ứng viên phải cạnh tranh để trả lời câu hỏi về công ty để giành chiến thắng. Giải thưởng có thể là tiền, sản phẩm miễn phí hay một danh hiệu. bạn cũng có thể làm cho trò chơi trở nên cạnh tranh hơn nữa bằng cách sử dụng bảng xếp hạng để theo dõi những người giữ kỷ lục. Điều này tạo ra sự phấn khích giữa những người thi và nó khuyến khích các nỗ lực lặp lại để tạo nên các kỷ lục mới.
Những cuộc thi như thế này giúp lan tỏa thương hiệu của nhà tuyển dụng và giáo dục các ứng viên tiềm năng về công ty của bạn.
2. Trò chơi mô phỏng
Tạo ra các trò chơi mô phỏng để sử dụng như một công cụ đánh giá là mức độ khá cao, nó giúp khắc phục việc đánh giá bằng phỏng vấn một cách nhàm chán hay ứng viên đã chuẩn bị trước câu trả lời. Các trò chơi kiểu này giúp đánh giá kỹ năng và hành vi mà ứng viên qua tình huống thực tế. Ví dụ ứng viên sẽ chơi trò chơi kiểu nhập vai, người chơi trở thành nhân viên ảo tại một văn phòng mô phỏng, điều này cho phép tổ chức xác định những người chơi sẽ đạt thành tích cao trong công việc và ngược lại người chơi có cơ hội để xem liệu họ có thích làm việc hay không.
Trò chơi này sẽ nhanh chóng lựa chọn nhóm ứng viên tiềm năng bạn dựa trên khả năng và hành vi. Những trò chơi này có thể kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, quản lý xung đột, quản lý thời gian….
3. Các trò chơi khác
Tùy thuộc vào mục đích chúng ta cũng có thể tạo ra các trò chơi đơn giản để ứng viên thể hiện một cách tự nhiên, qua đó thấy được sự phù hợp giữa 2 bên. Một số gợi ý có thể dễ dàng thực hiện như: Giới thiệu mình bằng 1 tờ A4, sử dụng các trò chơi ứng dụng các Bộ card nghề nghiệp, hay một số trò chơi sử dụng trong teambuiding… Ưu điểm của các trò chơi kiểu này là dễ thiết kế, dễ chơi và gây hứng thú, tuy nhiên để thực sự hiệu quả thì bạn cần hiểu rất rõ về mục tiêu và cách thức thiết kế trò chơi.
Trò chơi trong tuyển dụng là chìa khóa để thu hút ứng viên và nhanh chóng phân loại, xác định các ứng viên rất tiềm năng, sau đó chuyển tải thông điệp đến ứng viên theo cách thú vị và hiệu quả. Nếu công việc tuyển dụng của bạn đang kém hiệu quả, hãy thay đổi cách khác, hãy biến tuyển dụng thành một trò chơi thú vị cho bản thân và người khác.
HRNguyen