Nằm viện buồn nhất là khi có bệnh nhân “bị trả về”, nói thế tức là di chuyển theo phương song song với mặt đất và khả năng cao mỗi tháng lại được về nhà vào mùng một và ngày rằm. Trong viện, việc này xảy ra khá thường xuyên. Thực ra nó cũng ảnh hưởng đến tâm lý những “người ở lại”, nhưng mặt tích cực là lại có giường cho bệnh nhân mới.
Thế nhưng sau “khoảng trầm” ấy cuộc sống lại trở lại bình thường, lại chuyện đất cát, chuyện con cháu, chuyện thuốc men, chuyện ăn uống, lại í ới gọi nhau đi mua cơm, gọi điện và xem video ầm mỹ… Cái chết ở trong viện có vẻ cũng “bình thường như cân đường hộp sữa”.
Nói thế thôi chứ thú thực, mỗi lần nhập viện điều lo nhất là “khi đi căn cước, khi về vận đơn”. Dù biết rằng cái chết vẫn hiện diện xung quanh mỗi ngày. Kỳ lạ là lo lắng như thế nhưng chả khi nào nghĩ sẽ đến lượt mình, cho dù đã có lúc “họp dòng họ” đông đủ ngoài cửa phòng cấp cứu.
Nhưng cũng có lần, nửa đêm đang ngủ thì nghe văng vẳng tiếng đọc kinh. Nghĩ mình “đi rồi”, nên nằm yên, bụng bảo dạ “buông bỏ nhé”, chờ cảm giác cơ thể nhẹ nhàng, bay lên. Chờ một lúc, chả thấy mẹ gì, chỉ thấy mồ hôi vã ra như tắm. Thì ra âm thanh phát ra từ máy tụng kinh của bệnh nhân bên cạnh. Lúc đấy trong đầu nhủ thầm: “Làm bố sợ toát cả mồ hôi, mà sao đói nhanh thế, lạnh thế này mà giờ có đĩa chó hấp và bát rựa mận nóng thì có mà nhất”. Thế mới biết “buông” đâu có dễ, vẫn còn tham sân si lắm, vẫn còn điên đảo với dục vọng lắm, đâu có phải “một phát ăn ngay” được.
Chết cũng thế, cũng không dễ, bởi cuộc sống là một hành trình trải nghiệm và học tập. Bạn chăm chỉ và học giỏi có thể được tốt nghiệp sớm. Cũng có thể ban tưng tửng, lười học lại sống dai. Tuy nhiên, ai rồi cũng tốt nghiệp, biết đâu đó lại là sự khởi đầu cho một hành trình mới, có thể lên lớp cũng có thể bị đúp.
Vì vậy tốt nhất là sống tích cực, lạc quan và có ý nghĩa, đừng để “chết ở tuổi 25 nhưng được chôn ở tuổi 75” như ai đó đã nói.
HRNguyen