LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI VIẾT CHUYÊN NGHIỆP?

Câu chuyện nghề nghiệp của một người bạn tôi, người viết chuyên nghiệp. Những chia sẻ giúp cho chúng ta hiểu hơn về một nghề nghiệp không còn xa lạ, nhưng cũng sẽ có nhiều cơ hội trải nhiệm những góc khác nhau của cuộc sống muôn màu.

Gần đây, Kat nhận được rất nhiều bạn hỏi làm sao để trở thành người viết chuyên nghiệp. Kat thường trả lời các bạn riêng lẻ nhưng giờ Kat xin tập hợp thành một post, hy vọng giúp các bạn tìm được cảm hứng trở thành một người viết chuyên nghiệp, có thể sống, thành công với đam mê của mình hay chí ít là tìm thấy niềm vui trong các con chữ.

Kat đã trở thành người viết như thế nào?

Nếu các bạn đọc Travelling Kat từ lâu, bạn sẽ biết Kat đã một lần trả lời câu hỏi này: Kat may mắn được “đứng trên vai người khổng lồ”, vô tình sinh ra trong một gia đình có rất nhiều người làm báo. Nhưng chưa bao giờ Kat kể tiếp phần còn lại của câu chuyện rằng từ việc thích viết hay có một chút bẩm sinh đến việc trở thành một người viết tạm gọi là chuyên nghiệp ra sao. Một đoạn đường tưởng nhanh như một cái chớp mắt nhưng nó đã kéo dài khoảng 20 năm.

Để viết tốt, bạn phải đọc thật nhiều!

Lợi thế đầu tiên của việc sinh ra trong một gia đình nhiều người làm báo với Kat là một kho sách lớn và việc đọc sách trở thành lời khuyên, lời chúc mà bé Kat 5 tủi, 6 tủi bị nhắc hằng ngày, hằng dịp sinh nhật. Có một chuyện vui vui mà Kat vẫn kể với bạn bè là hồi Kat bé, Kat nhận được một món quà rất nặng từ một người dì làm báo. Qùa nặng và bọc rất đẹp nên Kat vô cùng phấn khích. Khi mở ra, món quà rất nặng, rất đẹp ấy thực ra là một cuốn BÁCH KHOA TOÀN THƯ.

Vâng, các bạn ạ, các bạn không đọc nhầm đâu. Hẳn là Bách khoa toàn thư. Các bạn có thể tưởng tượng được cô bé Kat ngày ấy thất vọng thế nào không??? KHÔNG, KHÔNG, các bạn không hiểu được đâu! Mình nằm khóc vật vã bên món quà nặng và đẹp ấy cả buổi chiều. Kat bé nhỏ muốn váy, muốn búp bê, đơn giản vậy thôi. Cái cuốn sách của khỉ này!

Hôm trước về Việt Nam, Kat vẫn thấy cuốn từ điển bách khoa đó trên giá sách. Kat nhớ lại buổi chiều hôm ấy và cũng nhớ lại luôn không biết bao lần Kat mở cuốn từ điển ấy ra để tra các khái niệm trước khi biết thế nào là Google. Đó là món quà ấu thơ Kat giữ lâu nhất và dùng nhiều nhất.

Cuốn từ điển đó chỉ là một trong vô vàn món quà sách mà Kat được nhận. Đến hôm nay, mỗi lần từ Việt Nam trở lại đây, Kat vẫn mang theo một vali đầy sách: sách các đối tác xuất bản tặng, bạn thân tặng, sách Kat tự mua. Bởi Kat không thể ngừng đọc. Khi bạn ngừng đọc, bạn sẽ ngừng viết.

Việc đọc là tiền đề cho việc viết. Bạn tìm thấy cảm hứng từ gì người khác viết. Đọc giúp bạn thấy phần còn lại của cuộc sống mà bạn chưa được trải nghiệm. Đọc giúp kích thích trí tưởng tượng của bạn, giúp suy nghĩ của bạn rộng lớn hơn những gì bạn có thể nhìn thấy, chạm được. Nói cách khác, đọc giúp bạn có phát triển tư duy trìu tượng, điều tối cần thiết cho việc viết.

Ngoài ra, khi bạn đọc nhiều, bạn sẽ học được các lối diễn đạt của tác giả: từ mới, cách bày binh bố trận các chi tiết, cách dẫn đề, cách kết, cách tạo kịch tính, các biện pháp tu từ, cách đặt tít chính, tít phụ, cách xây dựng và miêu tả nhân vật… Sẽ còn tốt hơn nếu bạn vừa đọc vừa ghi lại các cách diễn đạt mà bạn học được, như cách chúng ta học ngữ văn hồi xưa vậy. Nhưng nếu bạn lười (như Kat) thì bạn chỉ cần đọc nhiều, lối diễn đạt đó sẽ ăn sâu vào bạn. Rồi bạn sẽ chợt nhớ ra khi viết hay sử dụng chúng tự nhiên như chúng do bạn tạo ra.

Hãy tạo cho mình thói quen đọc mọi thứ: sách, biển quảng cáo, nhãn sản phẩm, đọc các post trên FB, đọc caption của IG, đọc thư của các nhà văn nổi tiếng, đọc thơ… Đọc thơ cực tốt vì bạn sẽ hiểu được cách diễn đạt phức tạp bằng số lượng từ ngữ hạn chế và nghiêm ngặt)…

Và bạn cũng đừng quên mở rộng phạm vi đọc. Hãy thử thách mình: mỗi năm, đọc ít nhất 3 – 4 cuốn không thuộc thể loại bạn yêu thích. Ví dụ như năm ngoái, Kat chọn đọc sách kinh tế rồi năm nay thì chọn đọc sách thần thoại. Cố gắng mở rộng phạm vi đọc (phải dùng từ cố gắng) dù không phải quá tuyệt vời nhưng bạn cho chính mình có thểm trải nghiệm ngoài bong bóng quen thuộc của chính mình. Tương tự như lần đầu quyết định đi tới một nước khác ngoài thành phố, ngôi làng quen thuộc của mình vậy. Không phải lúc nào bạn cũng hợp món ăn, phong tục mới nhưng đó là trải nghiệm bạn nên có để mở rộng tầm nhìn, cuộc sống của bạn.

Hãy bắt đầu viết và biến việc viết thành một thói quen

Đương nhiên, muốn trở thành người viết thì bạn phải viết. Nhưng viết bao nhiêu cho đủ thì lại là một câu hỏi lớn. Bạn sẽ bất ngờ nhưng mình đã nhận không ít tin nhắn từ những bạn đang nghĩ “muốn trở thành người viết” nhưng chưa bắt đầu. Nghĩa là các bạn ấy nghĩ sẽ bắt đầu viết khi quyết định làm blog hay khi đã có ý tưởng viết sách.

ĐỪNG ĐỪNG ĐỪNG! Bạn hãy đừng chờ đợi mà hãy viết ngay lập tức, hãy biến việc viết thành một hoạt động thường nhật. Bạn có biết: cả hai cuốn sách của Kat đều tập hợp các bài viết của Kat trong vòng 2 đến 3 năm.

Viết một cuốn sách hay xuất bản một blog là việc nghe rất lớn lao và rất khó bắt đầu. Tuy nhiên, để viết những đoạn ngắn, những bài viết riêng lẻ về một vấn đề thì không khó chút nào. Hãy làm nó ngay khi bạn nghĩ ra điều gì đó để viết. Nháp ra nếu bạn chưa có thời gian, ghi âm lại nếu bạn không có giấy bút hay máy tính, viết trên máy bay, viết khi bạn đợi ai đó ở quán cà phê, khi ngồi xe bus…

Bắt đầu viết về những điều bạn yêu thích

Câu hỏi tiếp theo là biết lấy gì mà viết?

Hãy viết bất kỳ những gì bạn quan tâm: về những chuyến đi bạn vừa đi, về một trải nghiệm làm bạn xúc động hay ấn tượng, về tình yêu, về một món ăn… Khi bạn viết về những điều bạn càng tâm đắc, càng thu thập đủ dữ kiện, càng thích thú thì bạn viết càng hay. Và với bất kỳ điều gì, hãy bắt đầu viết những câu văn cho một suy nghĩ rồi phát triển những câu văn thành một đoạn văn, phát triển một đoạn văn thành nhiều đoạn văn.

Ví dụ nhé: bạn thấy món ăn bạn vừa ăn ngon xuất sắc. Hãy bắt đầu viết “Đó là một món ăn ngon xuất sắc”. Bắt đầu từ đó, bạn trả lời các câu hỏi triển khai như: ngon thế nào (sử dụng tính từ, phép so sánh), vì sao ngon (sử dụng phép miêu tả), điều gì làm nên món ăn đó (sử dụng phép liệt kê), món ăn ấy cho bạn cảm xúc gì (chuyển từ miêu cả cái hữu hình sang miêu tả cái vô hình), bạn ăn nó trong hoàn cảnh nào (kỹ năng kể chuyện)… Diễn tả xong hết, bạn mang các câu, các đoạn văn sắp xếp lại theo trình tự bạn mong muốn. A lê hấp, thế là bạn có một bài viết ngắn, rất giống một blog rồi.

Những nhà văn du ký, những nhà tiểu thuyết lớn hay những nhà báo phê bình ẩm thực không sinh ra với những nghề đó. Tất cả bắt đầu từ những đoạn văn nhỏ, những bài báo ngắn.

Hãy đưa những bài viết của bạn tới bạn đọc

Năm 16 tuổi, Kat cũng có bài viết đầu tiên trên báo HHT. Bạn không tin đâu, hôm bài báo được đăng, Kat đã nghỉ ở nhà vì quá xấu hổ. Kat sợ bạn bè đọc được và trêu chọc. Ít lâu sau đó, Kat post những bài đầu tiên trên diễn đàn ttvnol, tất nhiên, dưới một nickname. Mỗi ngày, mình trả 3000 đồng cho 1 tiếng dùng internet trên phố Hàng Buồm, log in và rón rén viết một post. Hôm sau trở lại, vừa háo hức, vừa hồi hộp đọc từng phản hồi… Ngày qua ngày, mình bắt đầu đi offline, đưa chính mình bước ra ánh sáng, giới thiệu với mọi người trong diễn đàn mình là ai đằng sau cái nickname.

Chính lúc này, mình bắt đầu có người đọc, đối diện với người đọc của mình. Họ chính là động lực cho mình phát triển, tiếp tục viết và viết tốt hơn. Kat luôn nói rằng, internet và diễn đàn ttvnol đã biến một cô bé thích viết thành một người viết chuyên nghiệp. Thực ra, chính người đọc mới là người biến mình thành một người viết chuyên nghiệp.

Chính vì thế, muốn trở thành người viết, bạn hãy để cho những bài viết của mình được người khác đọc. Hãy bắt đầu bằng những người bạn tin tưởng, bằng một blog giấu tên… Người đọc phản hồi cho bạn, mang lại cho bạn cảm hứng tới các đề tài tiếp theo, chờ đợi, động viên bạn tiếp tục.

Để trở thành người viết chuyên nghiệp, hãy đưa bài viết đến độc giả

Rồi, sau một bài viết dài ơi là dài, Kat muốn bạn nhớ những điều sau thôi này:

“Hầu hết những gì tôi biết về viết lách tôi đều học được từ việc chạy bộ hàng ngày. Đó là những bài học thực tế và tự nhiên. Tôi có thể thúc đẩy cơ thể mình đến độ như thế nào? Nghỉ bao lâu là hợp lý – và bao lâu là quá nhiều? Tôi có thể làm một thứ đến mức độ nào và vẫn giữ nó khuôn phép, kiên định? Khi nào thì nó sẽ trở nên thiển cận và cứng nhắc? Tôi nên nhận thức về thế giới bên ngoài trong mức độ như thế nào, và tôi nên chú tâm vào thế giới nội tâm của mình ở mức độ ra sao? Tôi nên tự tin về năng lực của mình đến chừng mực nào, và khi nào tôi nên tự nghi ngờ chính mình?
(Haruki Murakami)

Và cuối cùng, chúc bạn tìm thấy niềm vui trong từng con chữ. Còn nếu bạn không tìm thấy niềm vui ấy, đó có thể không phải là điều dành cho bạn!

Bài viết từ Blog Travelling Kat

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *