Trong một cuộc phỏng vấn tìm việc, sự phù hợp cần được đánh giá từ cả hai phía. Công ty sẽ đánh giá bạn có phù hợp với họ hay nhóm làm việc hay không. Ngược lại bạn cũng đang đảm bảo rằng Công ty và công việc sẽ phù hợp với bản thân và cuộc sống của mình.
Để đạt được những mục tiêu của bạn trong cuộc phỏng vấn, chắc chắn bạn cần chuẩn bị một loạt các câu hỏi dành cho Nhà tuyển dụng. Mặc dù hầu hết các câu hỏi của bạn đã được chuẩn bị kỹ, thậm chí được sự góp ý của những chuyên gia về tuyển dụng, nhưng vẫn có những câu hỏi để lại ấn tượng không tốt với Người phỏng vấn, đó là những điểm trừ.
Có rất nhiều lời khuyên trên Internet, từ phía những người có kinh nghiệm hay từ chính những người làm tuyển dụng, tuy nhiên việc áp dụng rập khuôn và không hiểu mục đích sẽ có thể là điểm trừ. Vì vậy, để đảm bảo bạn tạo được ấn tượng tốt và thành công trong buổi phỏng vấn, đây là những câu hỏi bạn nên tránh. Bên cạnh những câu hỏi này cũng là những nguyên tắc bạn cần có khi tham gia bất cứ buổi phỏng vấn tìm việc nào.
1. Mô tả công việc và vai trò của vị trí này là gì?
Câu hỏi này cho thấy bạn thiếu sự nghiêm túc, thiếu nhiệt tình và hứng thú với vị trí ứng tuyển do chưa tìm hiểm kỹ về mô tả công việc. Thông thường Mô tả công việc sẽ được có trong Thông tin tuyển dụng hoặc Nhà tuyển dụng sẽ gửi và trao đổi với bạn trước khi phỏng vấn. Nếu bạn cần thêm thông tin về Mô tả công việc hay vai trò của vị trí này, hãy làm rõ trước khi phỏng vấn, vì thực sự bạn cần biết mình sẽ làm gì.
Trong một số thông tin đăng tuyển hay trao đổi của Nhà tuyển dụng có thể chưa đầy đủ các như bạn mong muốn. Hãy thẳng thắn trao đổi lại, làm rõ các vấn đề, việc này cũng cho thấy sự nghiệm túc và hào hứng với công việc. Thông thường các Nhà tuyển dụng cũng khá cởi mở cung cấp thông tin cho dù có thể chưa được như kỳ vọng của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc kỹ đối với những Nhà tuyển dụng không cởi mở hay có vẻ “muốn giấu” các thông tin, việc tham gia phỏng vấn có thể làm mất thời gian của cả hai bên.
Nguyên tắc số 1: Hãy tìm hiểu kỹ công việc trước khi phỏng vấn.
2. Công ty đang làm về lĩnh vực gì?
Nguyên tắc quan trọng nhất khi tham gia phỏng vấn tìm việc là bạn phải có những kiến thức, hiểu biết cơ bản về Công ty. Đặt những câu hỏi dạng này không chỉ cho thấy bạn đã không dành thời gian để tìm hiểu về Công ty, mà nó còn khiến Nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về kỹ năng và năng lực thực hiện công việc của bạn.
Một số câu hỏi “sai lầm” tương tự như: “Đối thủ của Công ty là ai?”, “Sản phẩm của Công ty là gì”… cũng là những câu hỏi cần tránh nhất là khi các bạn ứng tuyển tại những vị trí kinh doanh, chăm sóc khách hàng, nghiên cứu sản phẩm …
Nguyên tắc số 2: Hãy tìm hiểu kỹ Công ty trước khi phỏng vấn.
3. Mức thu nhập của tôi sẽ là bao nhiêu?
Thông thường, dải lương sẽ có trong thông báo tuyển dụng hoặc Nhà tuyển dụng sẽ trao đổi sơ bộ trước với bạn. Nếu nằm trong sự kỳ vọng của bạn thì đó là lý do để co buổi phỏng vấn này. Nếu cần hãy nắm được thông tin về dải lương trước khi đến phỏng vấn, hoặc sẵn sàng từ chối những Nhà tuyển dụng không thông tin rõ ràng kiểu “thu nhập phụ thuộc năng lực” hay “thu nhập trao đổi sau khi phỏng vấn”.
Câu hỏi này nên tránh khi đang trong quá trình trao đổi tìm hiểu giữa hai bên. Nó có thể khiến Người phỏng vấn lúng túng hoặc sẽ không trả lời cụ thể theo mong muốn của bạn (giống như cách Ứng viên tránh trả lời câu hỏi của Nhà tuyển dụng kiểu: “Mức lượng hiện tại của bạn bao nhiêu?”). Từ đó có thể bạn chẳng được thông tin gì mà mình mong muốn, mà còn khiến Người phỏng vấn có tâm lý “đề phòng” hay “thiếu cởi mở”.
Bất kỳ câu hỏi nào xung quanh mức thu nhập hay một số chính sách phúc lợi nên được thảo luận tại thời điểm nếu hai bên đồng thuận có thể hợp tác chứ không phải trong cuộc phỏng vấn. Tất nhiên bạn cũng có thể trao đổi luôn nếu Người phỏng vấn đưa ra đề xuất đó trước.
Nguyên tắc số 3: Hãy thảo luận đúng vấn đề vào đúng thời điểm.
4. Tôi có thể làm việc giờ giấc linh hoạt được không?
Ngay cả khi bạn có những nhu cầu thực sự chính đáng và có nói rõ rằng với nhà tuyển dụng, ví dụ như đón con chẳng hạn. Thì lời khuyên chân thành với bạn là không nên câu hỏi này.
Với nhiều Nhà tuyển dụng, công việc là công việc, việc cá nhân là việc cá nhân, cho dù cân bằng cuộc sống là điều nhiều người hướng đến. Nhưng hãy tự giải quyết vấn đề cá nhân của bạn. Việc đưa ra những câu hỏi kiểu này sẽ thể cho Nhà tuyển dụng thấy rằng bạn quan tâm hơn đến nhu cầu cá nhân và ít quan tâm hơn đến Công ty.
Một số câu hỏi tương tự như: “Thỉnh thoảng tôi có thể làm việc tại nhà chứ?”, “Liệu tôi có phòng làm việc riêng không?”… cũng là những câu hỏi tương tự cần tránh.
Nguyên tắc số 4: Hãy thể hiện công việc và mục tiêu chung của Công ty là thứ được ưu tiên.
5. Bao lâu Công ty sẽ đánh giá nhân viên?
Đây là một câu hỏi khá phổ biến mà tôi gặp phải với các ứng viêc. Cũng có thể bạn hơi lo lắng về việc đánh giá hiệu suất làm việc hoặc chỉ là tò mò, nhưng hãy bỏ những câu hỏi về chính sách đánh giá của Công ty.
Những câu hỏi kiểu này có vẻ bình thường, nhưng nó sẽ làm Nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn đang lo lắng về những phản hồi không tốt, hay bạn đang lo lắng về chính năng lực của mình. Đó sẽ là một điểm trừ quan trong, vì năng lực cũng là yếu tố ưu tiên khi họ cân nhắc giữa các ứng viên.
Một người có năng lực sẽ rất tự tin, vì bậy hãy giữ sự tự tin và tích cực của bạn trong cuộc phỏng vấn. Tránh hỏi những chủ đề liên quan đến chính sách về đanh giá, chí ít cho đến khi nhận được đề nghị hợp tác.
Một số câu hỏi tương tự cho thấy sự thiếu tự tin của bạn như: “Anh/Chị có thể tham khảo thêm người này để biết thêm về tôi được không?”, “Liệu tôi có thể cho Anh/Chị xem thêm những tài liệu khác được không?”… cũng là những câu hỏi cần tránh.
Nguyên tắc số 5: Hãy giữ sự tự tin và tích cực.
6. Công ty còn vị trí nào cao cấp hơn không?
Những câu hỏi thể hiện sự kiêu ngạo hoặc gây xung đột là những câu hỏi nhất thiết nên tránh. Nếu bạn thực sự xuất sắc đến mức có quyền hỏi những câu hỏi đó thì chắc chắn bạn đã không ngồi đây, trong một buổi phỏng vấn kiếm việc. Nó cũng cho thấy sự thiếu quan tâm đến công việc hiện tại đang trao đổi, thiếu tôn trong những người đối diện.
Những câu hỏi kiểu này sẽ khiến Người phỏng vấn có tâm lý đề phòng, điều đó không tốt cho việc trao đổi giữa hai bên. Ngoài ra khi cuộc phỏng vấn kết thúc không có nghĩa là mọi thứ kết thúc. Ít nhất hãy là một người chuyên nghiệp và giữ lại những hình ảnh tốt trong mắt Nhà tuyển dụng, bởi sau mỗi người đều còn vô vàn mối quan hệ khác nữa.
Một số câu hỏi có thể gây xung đột hay cho Nhà tuyển dụng thấy sự kiêu ngạo bạn nên tránh: “Tại sao người làm trước tôi lại nghỉ việc”, “Vì sao công ty lại trả sổ bảo hiểm chậm cho nhân viên?”…
Nguyên tắc số 6: Không kiêu ngạo hay ảo tưởng bản thân.
Kết luận:
Trong buổi phỏng vấn tìm việc, những câu hỏi dù nên hay không nên thì bạn cũng cần hiểu rõ mục tiêu và các ứng dụng. Hãy là chính mình khi tìm việc để ứng dụng cho phù hợp với thực tiễn của bản thân.
Có 2 điều cần rõ để có thể thành công, đó là tâm thế coi nhau như đối tác và những nguyên tắc của bạn. 6 nguyên tắc nên trên cũng là những gợi ý không tồi để bạn có được thành công trong phỏng vấn tìm việc cũng như trong công việc sau này.
HRNguyen
Bài viết được chia sẻ trên báo DÂN TRÍ